Dự hội nghị có ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái; cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, địa phương; đại diện các sở ngành của 63 tỉnh, thành phố; đại diện các viện, trường, hiệp hội, doanh nghiệp và cơ sở du lịch trên toàn quốc.
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, thời gian qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhiều mô hình du lịch nông thôn đã hình thành ở nhiều địa phương, phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách, dựa trên thế mạnh, đặc sắc của mỗi địa phương và sự đa dạng các sản phẩm du lịch. Hiện nay cả nước có khoảng gần 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động (trong đó khu vực Trung du miền núi phía Bắc có 215 mô hình, chiếm 43%).
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội nghị
Hội nghị lần này mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm định hướng cho các địa phương những vấn đề quan trọng trong phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, liên quan đến rà soát công tác quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực, đồng thời nâng cao vai trò công tác quản lý ở địa phương, nâng cao năng lực các chủ thể làm du lịch canh nông và đề xuất các giải pháp cần triển khai trong thời gian tới. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn, các đại biểu sẽ trao đổi, chia sẻ cởi mở, thẳng thắn và sâu sắc, giúp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch, giải pháp phù hợp nhằm nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp trong công tác chỉ đạo quản lý nhằm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Chia sẻ về định hướng và đề xuất giải pháp triển khai các nhiệm vụ trong Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, du lịch cũng là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua chuyển đổi sinh kế, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, phục hồi, duy trì được các nghề truyền thống, sản vật địa phương để phục vụ du lịch; thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Du lịch nông thôn không chỉ góp phần phát triển kinh tế-xã hội mà còn bảo tồn các giá trị cảnh quan, sinh thái, môi trường, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần thu hẹp khoảng cách về thu nhập và thụ hưởng giữa người dân nông thôn và đô thị.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu tại Hội nghị
Tuy nhiên, du lịch nông thôn còn khoảng cách xa với khu vực đô thị về chất lượng dịch vụ, khả năng tiếp cận. Do đó, du lịch nông nghiệp, nông thôn rất cần quan tâm hỗ trợ của Nhà nước bằng các cơ chế, chính sách như đầu tư đồng bộ về hạ tầng, ưu đãi tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi số… cũng như cần sự đầu tư đa dạng từ các nguồn lực xã hội khác. Việc triển khai Chương trình đồng bộ, hiệu quả với kỳ vọng tạo ra bước ngoặt, sự chuyển biến tích cực cho phát triển du lịch nông thôn, thực sự trở thành động lực góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững khu vực nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH TW Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, trong bối cảnh mới, du lịch nông thôn cũng phải thay đổi để phù hợp với nhu cầu thị trường và bối cảnh mới đặc biệt là vấn đề phát triển sản phẩm và kết nối thị trường. Theo đó, du lịch nông thôn cần quan tâm tới các định hướng như ưu tiên đầu tư phát triển các điểm du lịch nông thôn đồng bộ và hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch kết nối được với các tuyến điểm du lịch trên địa bàn, trong vùng và với các trung tâm du lịch và thị trường nguồn; phát triển hệ thống sản phẩm du lịch nông thôn có chất lượng, sáng tạo, khác biệt về văn hóa, cảnh quan sinh thái dựa trên lợi thế của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn, chăm sóc sức khỏe, đa dạng tính trải nghiệm, các sản phẩm mới… Nâng cao kỹ năng phục vụ, quản trị để đáp ứng nhu cầu phát triển và hướng tới các nhu cầu riêng biệt của các nhóm khách mục tiêu. Chú trọng khai thác chuỗi giá trị du lịch trên cơ sở liên kết với các ngành nghề, dịch vụ liên quan của khu vực nông thôn nhằm cung cấp đa dạng trải nghiệm cho du khách.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc phát biểu tại Hội nghị
Về định hướng đào tạo, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông thôn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho rằng bên cạnh những giải pháp về quy hoạch, phát triển sản phẩmh; xúc tiến, quảng bá thì giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nguồn nhân lực du lịch nông thôn được coi là giải pháp then chốt để phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, cần tăng cường nâng cao nhận thức về vai trò của phát triển du lịch nông thôn; Thực hiện tốt công tác đánh giá, xác định nhu cầu và dự báo nguồn nhân lực du lịch nông thôn; phát triển lực lượng lao động tại chỗ là người nông dân, chủ thể của hoạt động du lịch nông thôn, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý du lịch nông thôn; Đa dạng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có tính chuyên nghiệp và hiện đại; Triển khai các chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm và các hoạt động khuyến khích nâng cao chất lượng du lịch nông thôn.
Trung tâm Thông tin du lịch/Vụ Lữ hành - Tổng cục du lịch