Nét Cổ Kính Làng Nôm – Làng Việt Cổ

Không gian cổ kính của làng quê Việt Nam với những cây đa, giếng nước, sân đình, đình làng, chùa, chợ, cổng làng và những ngôi nhà cổ … dường như chỉ còn trong hoài niệm. Thay vào đó là sự bê tông hoá, những ngôi nhà cao tầng mọc lên như nấm. Nhưng […]

 

       Không gian cổ kính của làng quê Việt Nam với những cây đa, giếng nước, sân đình, đình làng, chùa, chợ, cổng làng và những ngôi nhà cổ … dường như chỉ còn trong hoài niệm. Thay vào đó là sự bê tông hoá, những ngôi nhà cao tầng mọc lên như nấm. Nhưng trụ lại trong vòng xoáy đó có làng Nôm (hay làng Đại Đồng), xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm.

Làng cổ Đại Đồng

Vẫn nguyên vẹn dấu xưa, với kiến trúc cổ kính, cảnh quan hài hoà và những nét văn hoá mang đậm truyền thồng của một làng quê Việt cổ, đó là quần thể di tích gồm: đình, đền, chùa, cổng làng, chợ, những ngôi nhà cổ….Dấu tích cổ còn mãi với thời gian:Ấn tượng đầu tiên về làng Nôm là mọi con đường trong làng đều được lát gạch đỏ.

Tam quan

Cổng làng sừng sững được xây dựng bề thế gồm bốn trụ vuông với những họa tiết tinh xảo. Vòm cổng được đắp một đại từ gồm ba chữ: “Đồng Cầu Nôm”. Đây chính là sự khác biệt dường như không thể tìm thấy được ở những ngôi làng khác thuộc các làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ. Qua cổng làng không gian như tĩnh lặng bởi một hồ nước trong xanh, quanh hồ là những ngôi nhà cổ, cây cổ thụ ngả bóng xuống mặt nước yên bình. Thật khó mà tìm được ở nơi nào có một không gian bình yên mang đậm nét của làng quê Việt cổ như nơi này. Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi tại ngôi đình Tam Giang, tương truyền ngôi đình thờ Đức Thánh Tam Giang, là tướng dưới thời hai Bà Trưng, có công đánh giặc cứu dân, cứu nước và hiển linh giúp Lê Đại Hành đánh thắng quân Tống, được vua sắc phong là “Hộ Quốc Phúc Thần”. Trước sân đình là cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi, toả bóng mát cho cả một khoảng sân rộng lớn, gần đó có giếng làng được xếp bằng những vỉa đá đã phủ rêu xanh. Đi về phía đông làng là cây cầu đá bắc ngang qua dòng sông Nguyệt Đức, nối đường làng với chợ Nôm và chùa Nôm (hay còn gọi là chùa Linh Thông cổ tự).

Cầu đá làng Nôm

Cầu đá được ghép bằng những phiến đá lớn, hai bên thành cầu trạm khắc hình đầu rồng, cầu có các trụ đá chống đỡ. Qua cầu đá là đến chợ Nôm, chợ Nôm vẫn lưu giữ được những nét văn hoá truyền thống, ngày nào cũng tấp lập kẻ bán người mua. Ngay cạnh chợ là ngôi chùa Linh Thông cổ kính đứng uy nghiêm như bất chấp sự băng hoại của thời gian. Bước qua cổng chùa rộng lớn là một không gian là không gian tĩnh lặng và thanh tịnh nơi cửa phật làm cho ta có cảm giác như đang lạc vào cõi phật. Hiện nay trong làng còn nhiều ngôi nhà cổ có liên đại hàng trăm năm tuổi, nhìn rất cổ kính, rêu phong, với những kiến trúc độc đáo của thời xưa. Những ngôi nhà nơi đây là minh chứng cho một thời kỳ hưng thịnh của làng….Nơi lưu giữ những giá trị văn hoá phi vật thể: Theo như sử sách ghi lại, làng Nôm được hình thành từ đầu công nguyên và đến thế kỷ XV thì dân cư bắt đầu tập trung đông đúc, tại ngôi làng đã có những dòng họ sinh sống nhiều đời như: Tạ, Lê, Phùng, Đan…Hiện nay làng có diện tích 43,7 ha, với gần 600 nhân khẩu.
Các lễ hội truyền thống vẫn được duy trì như: Hội làng vào ngày 12 tháng giêng âm lịch hàng năm tất cả các dòng họ trong làng đều làm giỗ, trong ngày hội làng con cháu các dòng họ dù ở bất kỳ nơi đâu, xa hay gần, trong nước hay nước ngoài đều được hội tụ đông đủ. Trong ngày hội làng đàn ông đến tuổi 55 được khao lão, những người được khao lão phải làm một mâm cỗ mang ra đình lễ thánh để các ngài chứng giám đã được lên lão và mở tiệc linh đình khao cả dòng họ. Hội làng thật độc đáo, hiếm có một làng nào có được một ngày trong năm tưng bừng, hội tụ đông đúc như thế. Lễ Tế xuân 13 tháng giêng, 15 tháng giêng lễ Thượng nguyên, 15 tháng tư lễ Trung nguyên, 17 tháng 7 lễ Hạ nguyên, 21 tháng chạp lễ Tất niên. Lễ hội có múa rối nước, rước rắn, rước sắc phong và rước thánh…. Những phong tục lạc hậu được bãi bỏ như: Ngày xưa con gái khi lấy chồng phải cung tiến cho làng 20 mâm đồng hoặc làm vài chục mét đường lát gạch. Đến tuổi 16 phải nghỉ học đi buôn, lấy chồng thì phải nuôi chồng ăn học đỗ đạt làm quan. Những ngày hội làng không chỉ là dịp quy tụ con em địa phương xa gần, mà còn thu hút rất đông du khách thập phương đến thăm quan và dự lễ hội. Với không gian cổ kính yên bình, cùng những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể vẫn được lưu giữ nguyên vẹn, làng Nôm sẽ trở thành điểm đến thăm quan du lịch của nhiều du khách thập phương trong và ngoài nước muốn tìm hiểu những nét văn hoá cổ xưa, muốn tìm về những hoài niệm, những cái bình dị dân dã không thể tìm thấy được ở những làng quê khác. Chính vì vậy chúng ta cần phải chung tay duy trì, bảo tồn những di sản văn hoá làng Nôm để cho không gian cổ của làng Nôm nói giêng và không gian cổ của làng quê Việt Nam nói chung không bị phá vỡ, mãi nguyên vẹn dấu xưa, cổ kính rêu phong không bị huỷ hoại theo thời gian và năm tháng.
 

 

 






TIN BÀI LIÊN QUAN