Du lịch tác động lan tỏa tích cực đến nhiều ngành, lĩnh vực khác

Ngày đăng: 09/01/2025
(TITC) - Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Quý IV và năm 2024 của Tổng cục Thống kê nhận định: “Du lịch là điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2024 của đất nước, tác động lan tỏa tích cực đến nhiều ngành, lĩnh vực khác”.

 

Du khách tại Hội An, Quảng Nam. Ảnh: TITC

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2024 tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều yếu tố rủi ro, bất định. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục duy trì phục hồi rõ nét, tăng trưởng khởi sắc dần qua từng tháng, quý, kết quả trên nhiều lĩnh vực quan trọng đạt và vượt mục tiêu đề ra, là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

GDP năm 2024 ước tính tăng 7,09%. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%, đóng góp 5,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%, đóng góp 45,17%. Đặc biệt, các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ, du lịch năm 2024 tăng 7,38%, cao hơn tốc độ tăng 6,91% của năm 2023, đóng góp 49,46% trong tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Nguồn: Tổng cục Thống kê/TITC

Theo số liệu thống kê, trong tháng 12/2024, khách quốc tế đến nước ta đạt 1,75 triệu lượt người, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 17,5 triệu lượt, tăng 39,5% so với năm trước. Tổng số khách du lịch nội địa đạt 110 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.

Tăng trưởng du lịch đóng góp tích cực vào tăng trưởng khu vực dịch vụ cũng như toàn nền kinh tế năm 2024. Sự phát triển của ngành du lịch tác động lan tỏa đến sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực khác.

Doanh thu của các ngành dịch vụ năm 2024 đã ghi nhận mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.921,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 733,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,9%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 62,5 nghìn tỷ đồng, tăng 16,0%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 672,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,0%.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho rằng chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh cùng với những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng là động lực chính thu hút khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao trong năm 2024.

Du lịch là ngành có tính đặc thù cao, liên ngành, liên vùng, có tác động lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ đóng góp trực tiếp vào GDP mà còn thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành liên quan. Với lượng khách du lịch tăng, các khách sạn, nhà hàng và dịch vụ ăn uống sẽ được hưởng lợi lớn. Nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không, đường bộ, và đường thủy tăng cao sẽ kích thích các ngành vận tải và logistics.

Trong chuyến du lịch, du khách thường mua sắm hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm đặc trưng và quà lưu niệm, góp phần thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Du khách có các hoạt động như tham quan, lễ hội, và trải nghiệm văn hóa địa phương, do đó sẽ tạo điều kiện cho ngành văn hóa, nghệ thuật, giải trí phát triển. Bên cạnh đó, các sản phẩm địa phương, từ thực phẩm đặc sản đến hàng thủ công mỹ nghệ, sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường lớn hơn thông qua du lịch. Du lịch còn đóng vai trò như một cầu nối văn hóa, góp phần nâng cao hình ảnh quốc gia, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Theo: Trung tâm Thông tin du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam






TIN BÀI LIÊN QUAN