Đẩy mạnh triển khai áp dụng các nền tảng số quốc gia về du lịch trên toàn quốc

Ngày đăng: 11/10/2023
(TITC) - Thời gian qua, ngành du lịch đã tập trung quyết liệt triển khai các hoạt động chuyển đổi số nhằm tạo nên hệ sinh thái du lịch thông minh. Bây giờ là thời điểm cần đẩy nhanh việc áp dụng các nền tảng số ở tầm quốc gia của ngành du lịch để tạo nên hệ sinh thái thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc.

 

Đây cũng tinh thần chủ trương chung của Chính phủ trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, chuyển đổi số cần có trọng tâm, trọng điểm, thực chất, hiệu quả, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, chồng chéo, lãng phí, và nhất là dữ liệu phải “đúng, đủ, sạch, sống”. Thủ tướng đã chỉ đạo năm 2023 là "Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới".

Với vai trò là đơn vị đầu mối trong lĩnh vực chuyển đổi số du lịch, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian qua, Trung tâm Thông tin du lịch đã tập trung xây dựng các nền tảng số ở tầm quốc gia về du lịch để hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh theo hướng thống nhất và đồng bộ trên toàn quốc, khắc phục tình trạng “trăm hoa đua nở” về ứng dụng, website du lịch.

Theo đó, các nền tảng số ở tầm quốc gia của ngành du lịch gồm có:

Thẻ Việt - Thẻ du lịch quốc gia: là sản phẩm hợp tác giữa Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), gồm có thẻ vật lý và thẻ số. Thẻ Du lịch Quốc gia được tích hợp các công nghệ hiện đại, an toàn, bảo mật, sử dụng trong lĩnh vực du lịch và đặc biệt được kết nối liên thông với tiện ích ở nhiều lĩnh vực liên quan khác như: y tế, giáo dục, giao thông, thương mại điện tử và tiện ích khu dân cư…

Giải pháp này giúp hình thành và thúc đẩy thói quen mới trong du lịch - “thanh toán không dùng tiền mặt” và cũng là chủ trương chung của Chính phủ, qua đó giúp tiết kiệm thời gian, tăng trải nghiệm và tiện ích cho khách du lịch.

Ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel: là ứng dụng dành cho du khách trong và ngoài nước khi du lịch ở Việt Nam, hỗ trợ toàn diện cho du khách thông qua tích hợp đa tiện ích như: tìm kiếm thông tin du lịch, bản đồ số du lịch, tra cứu doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, hướng dẫn viên, đặt phòng, đặt vé, thanh toán điện tử, quản lý tour du lịch, phản ánh tới cơ quan chức năng…

Nền tảng Quản trị và kinh doanh du lịch: được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố là 1 trong 35 nền tảng số quốc gia cần ưu tiên phát triển. Đây là môi trường số kết nối các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành, hướng dẫn viên du lịch và các cơ quan quản lý du lịch ở Trung ương và địa phương.

Các tính năng chủ yếu gồm có: thanh toán điện tử 1 chạm, quản lý phòng tại các cơ sở lưu trú, quản lý chương trình khuyến mãi, quản lý bán hàng, quản lý khách hàng thân thiết, thuyết minh đa phương tiện (multi-media guide), báo cáo thống kê theo quy định…

Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch: là nền tảng dữ liệu thống nhất phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch trên toàn quốc từ Trung ương đến địa phương. Hệ thống gồm có dữ liệu về các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú, khu, điểm du lịch và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác như: điểm mua sắm, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe… hướng tới sẽ được cập nhật theo thời gian thực. Đây là nền tảng dữ liệu dùng chung thống nhất trên toàn quốc, hỗ trợ cả cơ quan quản lý, các địa phương, điểm đến, doanh nghiệp trong công tác quản lý và kinh doanh du lịch.

Hệ thống vé điện tử tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đem lại hiệu quả cao (Ảnh: TITC)

Hệ thống vé điện tử: đây là sản phẩm công nghệ hiện đại được xây dựng để áp dụng để kiểm soát vé vào cửa tại các điểm tham quan, khu du lịch, khu vui chơi. Những tiện ích nổi bật của hệ thống vé điện tử là có thể sử dụng 01 vé duy nhất gắn mã QR cho cả một đoàn khách đông người thay vì mỗi người một vé như các hệ thống khác; loại bỏ hoàn toàn vé in theo kiểu truyền thống giúp giảm thiểu rác thải, ô nhiễm môi trường; kiểm soát chính xác số lượng người vào; hệ thống hỗ trợ khách mua vé trực tuyến giúp giảm thời gian xếp hàng tại điểm tham quan, hỗ trợ xuất hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp lữ hành đưa khách. Đối với ban quản lý điểm tham quan sẽ giúp chuyển đổi quy trình quản lý, kiểm soát vé tham quan theo hướng khoa học, minh bạch, hiệu quả, tối ưu nguồn nhân lực và góp phần bảo vệ môi trường.

Thuyết minh đa phương tiệngiới thiệu tới du khách các thông tin về các điểm du lịch, di tích, bảo tàng, khu vui chơi giải trí... bao gồm: nội dung (text), hình ảnh, lời đọc (audio), video… được tích hợp trên ứng dụng du lịch quốc gia "Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel" với hai nền tảng Android và iOS. Chỉ với chiếc điện thoại di động hoặc máy tính bảng có kết nối internet và cài đặt ứng dụng Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel, du khách có thể tự do khám phá các thuyết minh tự động trên hệ thống ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào. Hiện tại, hệ thống đang hỗ trợ ngôn ngữ: Tiếng anh, Tiếng việt (có thể bổ sung thêm nhiều ngôn ngữ khác nhau tùy theo mức độ yêu cầu).

Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) tổ chức tập huấn sử dụng Thẻ Việt - Thẻ du lịch quốc gia và triển khai nền tảng số du lịch tại Ninh Thuận

Song song với việc phát triển các nền tảng số tầm quốc gia về du lịch, trong năm 2022 và 2023, Trung tâm Thông tin du lịch cũng liên tục triển khai các chương trình tập huấn về chuyển đổi số tại nhiều địa phương trong cả nước như Quảng Ninh, Yên Bái, Hà Giang, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Lào Cai, Cần Thơ, Sơn La, Hà Tĩnh, Bắc Kạn, Ninh Thuận… Mục tiêu đặt ra là tạo nhận thức chung, thống nhất về tính cấp thiết phải thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động du lịch theo chủ trương chung của Chính phủ, đồng thời giới thiệu tổng thể hệ sinh thái chuyển đổi số của ngành du lịch cũng như hướng dẫn triển khai áp dụng trong thực tiễn tại địa phương. Điều này bên cạnh tạo nên hệ sinh thái chung thì cũng giúp các địa phương, đơn vị tiết kiệm nguồn lực, tránh được sự manh mún, rời rạc.

Đến nay sản phẩm và công nghệ đều đã sẵn sàng, đây là thời điểm các địa phương, điểm đến, doanh nghiệp cần tăng tốc quyết liệt triển khai áp dụng các nền tảng số ở tầm quốc gia của ngành du lịch để tạo nên sự liền mạch và thống nhất về dữ liệu, sự kết nối liên thông chặt chẽ giữa các chủ thể trong ngành du lịch như cơ quan quản lý, các điểm đến, doanh nghiệp, mang lại trải nghiệm tốt nhất cho du khách, tạo nên môi trường hoạt động kinh doanh du lịch lành mạnh, hiệu quả, góp phần đưa du lịch phát triển bền vững trong thời gian tới.

Theo: Trung tâm Thông tin du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam






TIN BÀI LIÊN QUAN