Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TITC
Phát biểu khai mạc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc cho biết, Du lịch Việt Nam đã có sự phục hồi và tăng trưởng với thị trường khách có quy mô khoảng hơn 100 triệu khách nội địa và gần 18 triệu lượt khách quốc tế.
Với điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi, Việt Nam được đánh giá là nước có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú, đa dạng có tiềm năng về sản xuất và chế biến dược liệu thành hàng hóa và sản phẩm dịch vụ phục vụ khách du lịch. Việc khai thác các vùng dược liệu và sản phẩm từ dược liệu để phục vụ phát triển du lịch đã được quan tâm và triển khai tại một số địa phương, tuy nhiên chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch gắn với khai thác dược liệu còn nhiều hạn chế và cần nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả khai thác chuỗi giá trị giữa du lịch - nông nghiệp - dược liệu - y dược cổ truyền trong thời gian tới.
Sau đại dịch Covid - 19, xu hướng nhu cầu thị trường nói chung cho thấy, mục đích du lịch của phần lớn du khách kỳ vọng nhiều hơn tại điểm đến với đa dạng các giá trị trải nghiệm ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, “chữa lành” và trị liệu tâm lý. Trong đó, Du lịch Việt Nam là một thị trường lớn với nhu cầu ngày càng đa dạng, đòi hỏi những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng và tính chuyên biệt hóa cao.
Phó trưởng phòng Quản lý Lữ hành (Cục DLQGVN) Phạm Lê Thảo trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: TITC
Theo bà Phạm Lê Thảo, Phó trưởng phòng Quản lý Lữ hành (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), để phát huy giá trị và mang lại giá trị gia tăng từ dược liệu phục vụ cho phát triển du lịch, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước trong đó có các trọng điểm du lịch đã ban hành kế hoạch/đề án phát triển du lịch, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với khai thác dược liệu và y học cổ truyền như: Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Kiên Giang, Cần Thơ, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Đồng Nai... Hầu hết các vùng trồng dược liệu là những nơi có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, cảnh quan sinh thái lý tưởng để tổ chức các tour du lịch sinh thái, các chương trình tham quan, tìm hiểu các mô hình trồng dược liệu kết hợp trải nghiệm ẩm thực, văn hóa, mua sắm, chăm sóc sức khỏe... đang dần trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, có khả năng thu hút khách du lịch.
Tại nhiều địa phương, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, làm đẹp bằng y dược cổ truyền đã trở thành sản phẩm du lịch bổ trợ quan trọng, đem lại nhiều trải nghiệm cho du khách và đem lại giá trị gia tăng cao hoạt động du lịch tại một số điểm đến. Có thể kể đến dịch vụ tắm lá thuốc người Dao được khai thác ở một số địa phương như Tả Phìn, Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát (Lào Cai), Sìn Hồ (Lai Châu). Trong đó, Lào Cai được đánh giá là điểm đến nổi bật về khai thác du lịch và dược liệu trong đó dịch vụ tắm/ngâm lá thuốc của lá thuốc người Dao đỏ.
Đối với ngành du lịch, cây dược liệu đóng vai trò là sản vật của tỉnh Lào Cai, đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách. Sản phẩm dược liệu tiêu biểu được coi là “đặc sản” của địa phương đó là thuốc tắm của người Dao đỏ. Bài thuốc tắm nổi danh này đang trở thành một sản phẩm du lịch đặc hữu của Lào Cai, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn giúp người dân địa phương bảo tồn được sản phẩm dược liệu đặc hữu của mình.
Sản phẩm dược liệu Đương quy Nhật Bản của Trung tâm nghiên cứu dược liệu Sa Pa. Ảnh: TITC
Sản phẩm du lịch từ cây thuốc đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào các dân tộc. Ngoài giá trị chăm sóc sức khỏe, các tour tham quan vườn dược liệu đang dần trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút đông đảo du khách.
Bên cạnh các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, món ăn, đồ uống được chế biến từ cây dược liệu có tác dụng chữa bệnh được đẩy mạnh khai thác trong phục vụ dịch vụ ẩm thực tại các nhà hàng, khách sạn, tại các hộ gia đình tham gia du lịch cộng đồng như một điểm nhấn về việc khai thác các giá trị bản địa. Một số địa phương đã xây dựng mô hình trồng thảo dược (đương quy, giảo cổ lam, khởi tử, bò khai, nấm…) phục vụ chế biến sản phẩm chăm sóc sức khỏe và chế biến ẩm thực, đồ uống để thu hút và phục vụ khách du lịch (món ăn thực dưỡng) tại Lào Cai, Lâm Đồng, Hà Giang… Món ăn từ thảo dược của cộng đồng dân tộc Thái, Tày, Dao, Mường… được khai thác phổ biến tại các điểm du lịch cộng đồng.
Các sản phẩm được sản xuất từ dược liệu có chất lượng cao, được kiểm nghiệm và cấp chứng nhận của cơ quan chức năng có thẩm quyền và tổ chức có uy tín nhất là các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của du khách được đẩy mạnh tiêu dùng thông qua hoạt động du lịch đặc biệt là thị trường khách du lịch nội địa. Nhiều trung tâm, điểm bán hàng OCOP có sản phẩm dược liệu đã trở thành điểm dừng chân phục vụ khách du lịch và kết nối tour, tuyến du lịch.
Nhằm xây dựng, khai thác hiệu quả chuỗi giá trị du lịch - nông nghiệp - dược liệu - y tế, nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên, cung cấp các dịch vụ trải nghiệm cho du khách, kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách đặc biệt là tiêu thụ tại chỗ các sản phẩm được sản xuất tại địa phương, thúc đẩy kinh tế địa phương đặc biệt là các khu vực trồng dược liệu. Trong thời gian tới ngành du lịch và các địa phương cần tập trung vào các định hướng như đánh giá thực trạng về tài nguyên dược liệu và văn hóa - cảnh quan và các điều kiện để khai phát triển du lịch; nghiên cứu thị trường và xác định các phân khúc thị trường khách du lịch nhu cầu đối với các sản phẩm du lịch và dược liệu; nghiên cứu phát triển các thương hiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ từ dược liệu chất lượng cao phục vụ phát triển sản phẩm du lịch đặc thù; nghiên cứu đề xuất cơ chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư, khuyến khích sự tham gia của các cá nhân, doanh nghiệp trong phát triển các mô hình du lịch và khai thác dược liệu, du lịch chăm sóc sức khỏe; xây dựng và áp dụng hệ thống chuẩn hóa bao gồm các quy chuẩn, tiêu chuẩn về sản phẩm dược liệu phục vụ khách du lịch đào tạo; bồi dưỡng tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và khai thác dược liệu chăm sóc sức khỏe...
Ngoài ra, hỗ trợ đầu tư hạ tầng (giao thông, điện, nước và công nghệ thông tin…), kết nối các điểm đến điểm tham quan, điểm du lịch sinh thái nông nghiệp thảo dược, phát triển các vườn dược liệu, khu vực trồng dược liệu trở thành “bảo tàng dược liệu sống”; kết nối với các cơ cơ sở chế biến, sản xuất dược liệu, điểm dừng chân có giới thiệu và bán sản phẩm hàng hóa từ dược liệu, dịch vụ ẩm thực từ dược liệu; các dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe.
Triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu, truyền thông chuyên đề cho các sản phẩm du lịch – dược liệu – chăm sóc sức khỏe từ dược liệu. Phối hợp quảng bá các sản phẩm thảo dược và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại các sự kiện xúc tiến quảng bá trong nước và quốc tế. Thực hiện chương trình kết nối thị trường trong chuỗi giá trị du lịch, dược liệu, nông nghiệp, y tế: doanh nghiệp lữ hành, cơ sở chăm sóc sức khỏe, các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, nhà hàng, cơ sở lưu trú du lịch, trung tâm trưng bày và bán hàng, cộng đồng địa phương…nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch dược liệu, phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa từ dược liệu thông qua tiêu dùng du lịch…
Theo: Trung tâm Thông tin du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam