Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nêu 7 giải pháp trọng tâm của ngành du lịch trong năm 2024

Ngày đăng: 13/03/2024
(TITC) - Sáng 12/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Người Lao động đã tổ chức buổi tọa đàm “Giải pháp để ngành du lịch tạo đột phá” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh và Tổng Biên tập Báo Người Lao động Tô Đình Tuân đồng chủ trì buổi tọa đàm.

Tham dự tọa đàm có đại diện lãnh đạo các Sở quản lý du lịch các địa phương trọng điểm du lịch như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Kiên Giang; Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh; đại diện các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn, các hãng hàng không và các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.

7 nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch năm 2024

Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: TITC

Phát biểu tại tọa đàm, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao ý nghĩa của buổi tọa đàm do Báo Người Lao động tổ chức trong bối cảnh tròn 2 năm mở cửa lại ngành du lịch sau đại dịch Covid-19 (15/3/2022 - 15/3/2024). Đây là dịp để nhìn lại, đánh giá những kết quả đã đạt được và đề xuất những giải pháp để du lịch Việt Nam phát triển tăng tốc, bứt phá nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững của ngành du lịch.

Thông tin về tình hình du lịch Việt Nam, Cục trưởng cho biết, năm 2023 khép lại với các chỉ tiêu phát triển du lịch “về đích” và vượt kế hoạch. Tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 108,2 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 678,3 nghìn tỷ đồng. Du lịch Việt Nam vinh dự nhận nhiều giải thưởng danh giá do Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) trao tặng, khẳng định thương hiệu và sức hút đặc biệt của du lịch Việt Nam. Trong hai tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đón trên 3 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 21,5 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 136,1 nghìn tỷ đồng. Hoạt động du lịch diễn ra sôi động ở hầu khắp các điểm đến trong cả nước ngay từ những ngày đầu năm đã thể hiện rõ nét sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch Việt Nam trong bối cảnh quốc tế, trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức.

Cục trưởng khẳng định, thời gian qua, ngành du lịch nhận được sự quan tâm sâu sắc hơn bao giờ hết của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với việc ban hành các văn bản, nghị quyết, chỉ thị để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy du lịch phục hồi và phát triển hiệu quả, bền vững.

Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: TITC

Để hiện thực hóa mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành du lịch trong năm 2024 đón 18 triệu khách quốc tế, 110 triệu du khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 850 ngàn tỉ đồng, thời gian tới Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tập trung triển khai 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm có:

Thứ nhất, tham mưu các cấp ban hành Kế hoạch triển khai có hiệu quả Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch được ban hành sẽ giúp các địa phương, điểm đến, các doanh nghiệp xác định được các trọng tâm, trọng điểm phát triển du lịch trong thời gian tới, thúc đẩy phát triển du lịch nhanh, bền vững.

Thứ haităng cường hoạt động liên kết trong phát triển du lịch, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động liên kết, phát triển điểm đến xanh - bền vững, lấy trải nghiệm của du khách làm trọng tâm; đề xuất kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch.

Thứ ba, tham mưu triển khai đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch; tập trung khai thác các phân khúc thị trường khách, các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh như du lịch MICE, du lịch golf, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch ẩm thực, du lịch chăm sóc sức khỏe, đẩy mạnh du lịch bằng đường sắt; đề xuất thành lập các văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, trước mắt là mở văn phòng tại Viêng Chăn (Lào).

Thứ tư, phát triển sản phẩm du lịch dựa trên các lợi thế, tiềm năng của Việt Nam để nâng cao năng lực trạnh tranh thu hút khách trong và ngoài nước cũng như tăng tỉ lệ khách quay lại. Quan trọng nhất là sản phẩm phải hấp dẫn, phù hợp để giữ chân du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn.

Thứ năm, tiếp tục nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương, doanh nghiệp du lịch, nhất là các vấn đề liên quan đến đầu tư, thuế, cơ sở hạ tầng để du lịch phát triển đồng bộ, toàn diện.

Thứ sáu, phối hợp với các địa phương tăng cường công tác quản lý điểm đến, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách.

Thứ bảy, tăng cường chuyển đổi số, phát triển cơ sở dữ liệu về du lịch trên các nền tảng số dùng chung; xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong du lịch gắn với chuyển đổi số.

Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh du lịch không chỉ là một ngành kinh tế mũi nhọn mà còn góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng tình hữu nghị và gìn giữ hòa bình. Để tạo đột phá trong phát triển du lịch, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương và sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, người dân.

Cần tiếp tục tăng cường liên kết trong phát triển du lịch

Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh Lê Trương Hiền Hòa phát biểu. Ảnh: TITC

Tham gia tọa đàm, lãnh đạo các Sở quản lý du lịch Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã chia sẻ về những mục tiêu và giải pháp trọng tâm của các địa phương trong năm 2024, trong đó Hà Nội sẽ ưu tiên ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù về hỗ trợ phát triển điểm đến du lịch; chú trọng phát triển các sản phẩm đặc sắc gắn với sự kiện, lễ hội âm nhạc, văn hóa, thể thao, các sản phẩm du lịch đêm; tăng cường xúc tiến quảng bá trên các kênh truyền thông quốc tế lớn; thúc đẩy chuyển đổi số, số hóa điểm đến, xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch địa phương, nâng cao chất lượng nhân lực. Đà Nẵng sẽ tập trung khai thác phân khúc khách có chi tiêu cao, người nổi tiếng đến du lịch, nghỉ dưỡng, khách MICE. Mới đây, tỉ phú Bill Gates đến Đà Nẵng và lưu trú dài ngày, cho thấy điểm đến Đà Nẵng có đủ điều kiện và năng lực cung cấp dịch vụ đón khách hạng sang, định vị là điểm đến văn minh, an toàn, thân thiện. TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung gia tăng doanh thu từ hoạt động du lịch; đẩy mạnh truyền thông thu hút khách nhờ vào chính sách thị thực mới; phát triển mỗi quận/huyện có 1 sản phẩm đặc trưng; tạo điều kiện kết nối các doanh nghiệp với nhau thông qua các liên kết vùng; phát triển du lịch xanh, chuyển đổi số...

Tọa đàm cũng nhận được nhiều ý kiến của các doanh nghiệp du lịch, hàng không đề xuất các cơ chế, chính sách tạo đột phá cho du lịch như: cần tiếp tục cải thiện chính sách thị thực và xuất nhập cảnh để nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong bối cảnh các đối thủ trong khu vực có chính sách rất cởi mở thu hút khách; có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch trong phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá; có giải pháp thu hút từng thị trường khách cụ thể; cần tăng cường liên kết giữa các Bộ, ngành, các địa phương, các điểm đến, các doanh nghiệp trong phát triển du lịch; chú trọng năng cao chất lượng nhân lực ngành du lịch...

Các ý kiến cũng bày tỏ mong muốn Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng, tập hợp các địa phương, doanh nghiệp để triển khai các hoạt động quảng bá du lịch tầm quốc gia.

Trưởng phòng Quản lý Xúc tiến du lịch (Cục DLQGVN) Nguyễn Quý Phương phát biểu. Ảnh: TITC

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Quý Phương - Trưởng phòng Quản lý Xúc tiến du lịch (Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam) cho rằng công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá trong tình hình mới cần đẩy mạnh vào tổng cầu, xác định thị trường mục tiêu và tăng cường tiếp cận trực tiếp khách hàng để cung cấp thông tin các điểm đến. Đồng thời, cần tăng cường hợp tác giữa ngành du lịch với các Bộ, ngành, giữa Trung ương với địa phương, giữa nhà nước với doanh nghiệp để triển khai hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch.

Ông Phương cũng nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, khách quốc tế đến Việt Nam không chỉ bao gồm đối tượng khách có mục đích du lịch đơn thuần mà còn các mục đích khác như khách MICE, chăm sóc sức khỏe, chơi thể thao... Do vậy, bên cạnh đáp ứng các nhu cầu cơ bản của khách du lịch là ăn ở, đi lại thì cần phát triển thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng để kích thích nhu cầu chi tiêu của du khách. Ngành du lịch đang liên kết với các ngành như nông nghiệp, công thương để tìm cách tạo sản phẩm tăng chi tiêu, mua sắm của du khách.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình. Ảnh: TITC

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng trước mắt cần tập trung khai thác tốt chính sách thị thực mới mà Chính phủ đã ban hành; tăng cường liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp là những người trực tiếp triển khai các hoạt động đón và phục vụ khách du lịch cần nghiên cứu và có những đề xuất rất cụ thể đối với cơ quan quản lý.

Chủ tịch HĐQT Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ phát biểu. Ảnh: TITC

Theo Chủ tịch HĐQT Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ, cần làm tốt hơn công tác quy hoạch phát triển du lịch, phát triển thị trường, phát triển sản phẩm; nâng cao chất lượng môi trường du lịch; có chính sách tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không. Ông Kỳ đề nghị một số doanh nghiệp lữ hành, hàng không lớn cần ngồi lại với nhau để hỗ trợ phát triển thị trường du lịch quốc tế.

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ du lịch

Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đúc kết các ý kiến tại tọa đàm. Ảnh: TITC

Tổng kết các ý kiến của các đại biểu dự tọa đàm, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao và cho rằng đây là những thông tin rất hữu ích để Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tham mưu, quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch. Cục trưởng đúc kết muốn thu hút, giữ chân du khách ở lâu và chi tiêu nhiều thì phải có sản phẩm du lịch phù hợp, hấp dẫn, chất lượng, đây là yếu tố cốt lõi. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, phát triển sản phẩm mới.

Trong bối cảnh sau đại dịch còn nhiều khó khăn, nhiều điểm đến trong khu vực có xu hướng cạnh tranh quyết liệt thu hút khách inbound, chưa khuyến khích du lịch outbound, thì ngành du lịch Việt Nam cần tập trung vào phương châm mà Nghị quyết 82 của Chính phủ đã đặt ra là “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện” để nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam.

Về công tác xúc tiến quảng bá, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đang nghiên cứu, tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình cấp có thẩm quyền về việc chỉnh sửa các quy định liên quan đến hoạt động Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch. Đồng thời, Cục trưởng cũng cho rằng cần đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường nguồn lực để triển khai công tác xúc tiến quảng bá tầm quốc gia, quốc tế.

Về chính sách thị thực và xuất nhập cảnh, vừa qua Chính phủ đã ban hành chính sách mới có hiệu ứng rất tốt, gia tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Cục trưởng cho biết, trong Chỉ thị 08 ban hành ngày 23/2/2024, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan nghiên cứu đề xuất tiếp tục tạo thuận lợi đi lại hơn cho khách du lịch như áp dụng nhận diện khuôn mặt trong thủ tục xuất nhập cảnh, sử dụng hộ chiếu điện tử, cấp thị thực tại cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ, xem xét mở rộng diện miễn thị thực đơn phương, có chính sách ưu đãi về xuất nhập cảnh đối với một số thị trường…

Tổng Biên tập Báo Người Lao động Tô Đình Tuân tổng kết tọa đàm. Ảnh: TITC

Tổng kết buổi tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Người Lao động Tô Đình Tuân nhận định 2 năm qua là giai đoạn hồi sinh của ngành du lịch. Báo Người Lao động tự hào đã đồng hành cùng ngành du lịch trong nhiều năm qua. Ông cho biết đây là cuộc tọa đàm đầu tiên Báo Người Lao động tổ chức trong năm 2024 và có chủ đề về du lịch, cho thấy tầm quan trọng của du lịch trong nền kinh tế. Qua đây, cơ quan quản lý ở Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp đã có cơ hội chia sẻ thông tin, đề xuất các giải pháp cụ thể để tạo đột phá cho du lịch trong thời gian tới. Tổng Biên tập Báo Người Lao động bày tỏ mong muốn các địa phương, doanh nghiệp du lịch tiếp tục tăng cường liên kết chặt chẽ hơn nữa để phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và khẳng định Báo Người Lao động sẽ tiếp tục ủng hộ, đồng hành cùng ngành du lịch để phát hiện vấn đề, đề xuất các giải pháp cũng như đẩy mạnh truyền thông hỗ trợ ngành du lịch trong thời gian tới.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: TITC

Theo: Trung tâm Thông tin du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam






TIN BÀI LIÊN QUAN