Chương trình truyền thông trên nền tảng số YouTube “Việt Nam: Đi Để Yêu!” là sáng kiến do Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) và Google phối hợp khởi xướng từ tháng 01/2021 trong bối cảnh ngành du lịch đang nỗ lực chuyển hướng, thích ứng linh hoạt, tích cực chuyển đổi số nhằm ứng phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đây là hướng đi chiến lược đầy mới mẻ, sáng tạo của Trung tâm Thông tin du lịch nhằm tận dụng sức mạnh của chuyển đổi số để tăng cường truyền thông quảng bá trên môi trường số, rút ngắn khoảng cách địa lý, tiếp cận các thị trường khách tiềm năng và mục tiêu. Với cách làm mới và hiệu quả, chương trình "Việt Nam: Đi Để Yêu!" thu hút sự ủng hộ, đồng hành của nhiều địa phương, đơn vị trong lĩnh vực du lịch, các nhà sáng tạo nội dung trên YouTube có sức ảnh hưởng.
YouTube là nền tảng chia sẻ video trực tuyến hàng đầu trên thế giới, với khoảng 2 tỷ lượt người dùng mỗi tháng và là nguồn thông tin quan trọng cho gần 60% khách du lịch toàn cầu trong quá trình tìm cảm hứng du lịch, lựa chọn điểm đến và chia sẻ trải nghiệm. |
Tính đến nay, sản phẩm của chương trình "Việt Nam: Đi Để Yêu!" là 17 video clip quảng bá các loại hình du lịch chủ đạo của Việt Nam như du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch thiên nhiên, du lịch thành phố, các điểm đến du lịch nổi bật của Việt Nam, cùng các loại hình du lịch thế mạnh như du lịch ẩm thực, du lịch golf, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch đường sắt...
Thông qua các video clip "Việt Nam: Đi Để Yêu!" đã thể hiện vẻ đẹp sống động, rực rỡ của du lịch Việt Nam như hình ảnh ruộng bậc thang ngoạn mục là đặc trưng nơi rẻo cao Tây Bắc, cảnh sắc kỳ vĩ và hệ sinh thái phong phú của các hang động, thác nước, hay đưa người xem tận hưởng những giây phút bình yên trên ghe thuyền giữa miền Tây sông nước.
Du khách cũng có thể cảm nhận không khí đoàn viên ấm áp và tìm hiểu nét văn hóa trong phong tục của người Việt trong dịp đầu Xuân. Hay đắm mình trong làn nước xanh như ngọc tại các bãi biển quyến rũ và thử sức cùng vô vàn hoạt động vui chơi đầy hấp dẫn. Tất cả mang đến cho người xem những xúc cảm trọn vẹn, chân thực.
Chủ đề của các video clip trong chương trình cũng bám sát chủ trương, định hướng, sự kiện lớn của ngành nhằm mang đến ý nghĩa thiết thực như sự kiện ngành du lịch thí điểm và tiến tới mở cửa trở lại hoàn toàn sau dịch bệnh Covid-19, phù hợp với chủ đề Năm Du lịch Quốc gia ở các địa phương như Ninh Bình (2021), Quảng Nam (2022), Bình Thuận (2023), hay quảng bá trước dịp mùa du lịch hè, Tết nguyên đán... nhằm mang lại hiệu quả truyền thông cao.
Với nội dung, chủ đề, hình ảnh đặc sắc, những thước phim mãn nhãn đã chạm đến trái tim của người xem và nhận được sự quan tâm, chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Nhiều video clip đã nhanh chóng chạm mốc hàng triệu lượt xem trên nền tảng số YouTube, cho thấy sức cuốn hút từ các sản phẩm của chương trình "Việt Nam: Đi Để Yêu!".
Đặc biệt, tháng 11/2022, Chương trình truyền thông trên nền tảng số YouTube “Việt Nam: Đi Để Yêu!” vinh dự được trao giải Nhì - Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VIII do Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại phối hợp với các cơ quan báo chí chủ lực tổ chức.
Cách làm mới mẻ, hiệu quả của Trung tâm Thông tin du lịch cùng các đơn vị đồng hành, chương trình truyền thông trên YouTube “Việt Nam: Đi Để Yêu!” là một bước đột phá nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam, phù hợp với xu hướng hiện đại và đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn mới.
Trong thời gian tới, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) tiếp tục triển khai xây dựng các video clip hấp dẫn trong chương trình "Việt Nam: Đi Để Yêu!" trên cơ sở tăng cường hợp tác với Google, YouTube, các địa phương, đơn vị trong ngành nhằm lan tỏa rộng rãi hình ảnh, thương hiệu Du lịch Việt Nam đến với đông đảo du khách trong nước và bạn bè quốc tế, góp phần tích cực thu hút khách du lịch đến Việt Nam.
Theo: Trung tâm Thông tin du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam