Chiêm ngưỡng 7 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia tại Hưng Yên

Hưng Yên vùng quê văn hiến, là nơi lưu giữ được nhiều hiện vật, cổ vật có giá trị đặc sắc, trong đó có 7 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đây là những hiện vật gốc, độc bản mang trong mình dấu ấn văn hóa, giá trị thẩm mỹ của từng thời kỳ lịch sử.

1. Tượng Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Mễ Sở

Tượng Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn hay còn gọi là tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2018, hiện lưu giữ tại chùa Mễ Sở, xã Mễ Sở (Văn Giang).

Pho tượng có niên đại đầu thế kỷ XIX, kích thước cao 2,8m, được chế tác bằng gỗ mít phủ sơn, ngồi trên tòa sen trong tư thế thiền định, với bàn chân phải đặt ngửa lên đùi trái. Khuôn mặt thanh toát, đôn hậu, thân hình thon thả, đôi tai dài, trán nở, lông mày cong, mắt khép hờ nhìn xuống, tóc chải ngược lên đỉnh búi thành cuộn, đầu đội mũ Thiên Quan. Tượng có số lượng tay khá nhiều, với 1.014 tay, 1014 mắt khác nhau được tạo tác rất tinh xảo, trong đó có 42 tay lớn xếp thành từng đôi một đăng đối nhau. Đôi tay chính chắp trước ngực kết ấn Chuẩn đề, đôi tay để trước bụng kết ấn Tam muội. Độc đáo hơn cả là những cánh tay lớn của tượng được tạc từ cánh tay chính trở ra, có thêm phần gập của khuỷu tay, thêm một đôi tay ở phía sau lưng tượng (gọi là tay Phổ lễ), trong lòng mỗi bàn tay có một con mắt nhỏ.

Vầng hào quang cũng là một trong những yếu tố cách tân quan trọng, tạo nên thế vóc và hình thức thể hiện độc đáo, khác lạ của pho tượng. Vầng hào quang được tạo trong một khoảng trống ở giữa chia vầng hào quang ra làm hai nửa tạo hình cánh cung, xung quanh trang trí mây cuộn. Tất cả đều được chạm nổi chau chuốt, mềm mại, tỉ mỉ và hòa quyện vào nhau tạo lên một thể thống nhất, hoàn mỹ cho toàn bộ tác phẩm. Đây là pho tượng Phật Quan Âm đẹp nhất trong lịch sử mỹ thuật phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XIX, mà đến nay chưa có pho tượng nào thuộc thời kỳ này có thể so sánh được. Những nét điêu khắc vô cùng tinh xảo và độc đáo trên bức tượng phản ánh rất rõ về tinh thần sáng tạo nghệ thuật của các nghệ nhân xưa.

2. Bệ tượng sư tử đá chùa Hương Lãng

Bệ tượng sư tử đá chùa Hương Lãng hiện lưu giữ tại toà Tam bảo chùa Hương Lãng, xã Minh Hải (Văn Lâm), có niên đại: cuối thế kỷ XI – đầu thế kỷ XII. Được tạo tác từ đá sa thạch, dài 280cm, rộng 350cm, cao 175cm. Bệ gồm ba tầng: tầng đế, tầng thân và tầng mặt, ba tầng liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành một bệ đá hoa sen hoàn chỉnh. Sự độc đáo và khác biệt lớn nhất ở bệ tượng được thể hiện qua hình tượng sư tử đội tòa sen.

Mỹ thuật chạm khắc đá thời Lý thường thiên về phù điêu ít thể hiện dưới dạng tượng tròn. Tuy nhiên, tại chùa Hương Lãng, nghệ nhân đã khéo léo thể hiện con vật dưới dạng tượng tròn gồm cả phần đầu và phần thân con vật, với những đường nét chạm khắc vô cùng tinh xảo. Mặt sư tử được tạo tác bằng những nét rất tinh tế, sinh động, mạnh mẽ. Toàn thân sư tử điểm xuyết những bông hoa có năm cánh xoáy tròn. Hai chân trước khuỵu xuống, các móng nhọn sắc tì chặt vào 2 viên ngọc báu, hai chân sau co gập, bắp chân săn chắc. Mông sư tử căng tròn, mập mạp đuôi to lượn xoắn.

Tầng đế cũng là một trong những yếu tố khác biệt quan trọng tạo nên thế vóc và hình thức độc đáo khác lạ của bệ tượng. Bệ tượng đá sư tử đội toà sen là một xu thế của nghệ thuật Phật giáo thời Lý. Có thể nói đây là một tác phẩm điêu khắc tiêu biểu, minh chứng về sự phát triển cho nghệ thuật điêu khắc đá thời Lý trong tiến trình lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Với những giá trị đặc sắc về nghệ thuật, văn hóa, Bệ tượng sư tử đá chùa Hương Lãng được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2020.

3. Hệ thống thành bậc đá chùa Hương Lãng

Hệ thống thành bậc đá chùa Hương Lãng là những dấu tích văn hóa thời Lý, có niên đại cuối thế kỷ XI – đầu thế kỷ XII, được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2020, hiện lưu giữ tại chùa Hương Lãng, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm.

Hệ thống thành bậc đá chùa Hương Lãng gồm 06 bộ thành bậc, được bố trí tại lối lên xuống cửa chùa. Tất cả đều được tạo tác liền khối bằng loại đá sa thạch, hình thang vuông, đề tài trang trí hoa văn tương tự nhau. Phía trên các thành bậc chạm hình sấu thần dưới dạng tượng tròn đang trong tư thế lao nhanh xuống dưới, đầu ngẩng cao, má dài, mang xoáy, gáy có bờm, miệng ngậm ngọc, đuôi to lượn sóng tỉa mượt, mình thon lẳn phủ dày đặc hình hoa tròn cánh xoáy, các khuỷu chân đều có các túm lông mềm mại lượn cong. Mỗi chân sấu có móng sắc nhọn, tì chặt xuống phía dưới. Trên những tay vịn bằng đá trên thềm bậc chạm phượng, lân, hoa cúc dây mềm mại sắc xảo.

Tất cả đều được tạo tác hoàn toàn thủ công, mang đậm dấu ấn thời đại mà chúng sản sinh ra, thể hiện trí tuệ tuyệt vời và khả năng khéo léo của các nghệ nhân điêu khắc đá. Hiện nay, chùa Hương Lãng là ngôi chùa duy nhất trên cả nước có số lượng các thành bậc đá thời Lý còn tương đối nguyên vẹn, đầy đủ nhất và nhiều nhất mà chưa có di tích nào có thể so sánh được.

4. Bia “Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh” chùa Cảnh Lâm

 Bia “Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh” được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2020, hiện lưu giữ ở chùa Cảnh Lâm, xã Tân Việt (Yên Mỹ).

Bia có 02 mặt, được làm từ đá xanh nguyên khối, còn nguyên dạng về hình dáng, kích thước rộng 83cm, cao 142cm, dày 16cm. Trán bia chạm đôi chim phượng chầu vào hàng chữ “Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh”. Diềm bia được trang trí mỗi loại một kiểu hoa văn khác nhau: cúc dây, sóng nước, lá đề. Đế bia tạo hình rùa trong tư thế đầu ngẩng cao, mắt tròn, mũi cao, miệng rộng, chân 5 móng khép sát vào thân. Lòng bia chép một bài tựa và một bài minh thời Lý. Minh văn mô tả lịch sử xây dựng chùa Diên Phúc, đồng thời mô tả khá chi tiết cấu trúc mặt bằng tổng thể chùa Diên Phúc, mô tả cách bài trí tượng Phật tại chùa, một số tư liệu về nhân vật lịch sử Đỗ Anh Vũ.

Đây là một trong số những tấm bia thời Lý hoàn chỉnh đóng góp nhiều tư liệu quý hiếm về lịch sử, văn hoá và lịch sử mỹ thuật thời Lý.

5. Sưu tập đĩa vàng hoa sen Cộng Vũ

Sưu tập đĩa vàng hoa sen Cộng Vũ là sưu tập di vật bằng vàng có giá trị văn hoá đặc biệt quý hiếm trong kho tàng Di sản văn hoá Việt Nam. Sưu tập được phát hiện tại thôn Cộng Vũ (thôn Mụa) xã Vũ Xá, huyện Kim Động vào năm 1965 trong quá trình cải tạo sông Cửu An. Có niên đại thế kỷ XI – XII (thời Lý), hiện lưu giữ tại Kho bạc nhà nước tỉnh Hưng Yên.

Sưu tập gồm 05 đĩa vàng và 01 cục vàng nhỏ (là chân đế của một chiếc đĩa) có kiểu dáng tương tự nhau, giống như những đoá sen vàng đang nở, chỉ khác nhau về kích thước, số lượng cánh sen và hoa văn trang trí. Trong đó, 1 chiếc có 29 cánh, 3 chiếc 20 cánh và 1 chiếc 16 cánh. Trọng lượng của cả 5 đĩa vàng và 1 cục vàng nhỏ là 1,724kg, được làm bằng kỹ thuật dát mỏng, gò trên khuôn tạo dáng, chân đế tạo rời sau đó hàn liền với phần thân đĩa. Phía ngoài mép miệng một chiếc đĩa có khắc dòng chữ Hán “Thuỵ Minh công chúa kim giao lai trọng bát tinh”. Lòng đĩa tròn phẳng, thành đĩa là hình hoa sen cách điệu do những mối cong nối tiếp nhau uốn lượn quanh đĩa tạo thành, gờ đế đĩa cũng lượn cong theo hình cánh.

Họa tiết hoa văn trang trí trên các đĩa chủ yếu là hình chim phượng đứng múa trên tòa sen, hoa sen, hoa mẫu đơn, mây cuộn,…chạm khắc thủ công, công phu, tỉ mỉ đến từng chi tiết, mang đặc trưng mỹ thuật thời Lý. Sưu tập đĩa vàng hoa sen Cộng Vũ được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2020.

6. Tháp đất nung đền An Xá

Tháp đất nung đền An Xá hiện được lưu giữ tại đền An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2021. Đây là một trong hai ngôi tháp cổ bằng đất nung hiếm hoi hiện còn lại đến nay trên cả nước. Tháp đất nung là hiện vật gốc duy nhất và lớn nhất của văn hóa Đạo giáo còn sót lại trên mảnh đất Hưng Yên. Tháp có bình đồ hình vuông, nhỏ dần về phía ngọn, có màu nâu đỏ, cao 4,2 m, mỗi cạnh rộng 1,97m. Tháp cao 13 tầng chia thành ba phần: đế tháp, thân tháp và ngọn tháp. Hiện trạng tháp còn khá nguyên vẹn, được tạo tác bằng chất liệu đất nung có niên đại thế kỷ XVI -XVII, chạm khắc tinh xảo, chau chuốt và vô cùng độc đáo, đặc biệt toàn thân tháp trang trí dày đặc những họa tiết hoa văn sắc nét như: hình rồng, phượng, sư tử, tiên nữ, hình lực sĩ, ngựa có cánh,... Ngoài ra, trên thân tháp còn xuất hiện nhiều đề tài mang đậm chất dân gian như cảnh người đấu vật, bắt rắn, chim, hươu, hổ,... Tất cả đều được bố cục thành những mảng khối với dáng khỏe, sống động mang đậm dấu ấn kiến trúc nghệ thuật thế kỷ XVII.

7. Bệ thờ đất nung đền An Xá

Bệ thờ đất nung đền An Xá hiện lưu giữ tại trung tâm toà Hậu cung đền An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2022. Bệ thờ đất nung được cấu tạo bởi nhiều khối đất nung khác nhau gắn kết khít lại để tạo thành một bệ thờ hoàn chỉnh có dạng khối hộp chữ nhật cao 135cm, dài 290cm, rộng 106cm. Nhìn tổng thể bệ thờ có dáng như một tòa sen lớn, chia làm 4 phần: mặt bệ đài sen, thân bệ, chân bệ, đế bệ. Bệ thờ được tạo tác bằng phương pháp thủ công truyền thống với kỹ thuật nung, chạm khắc tinh xảo, chau chuốt và vô cùng độc đáo, không bị rập khuôn theo một hình mẫu nhất định, mang đậm dấu ấn niên đại thế kỷ XVI.

     Bảo vật quốc gia không chỉ là niềm tự hào của Hưng Yên mà còn khẳng định những giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc của vùng quê văn hiến, và là những hiện vật quý để thế hệ sau hiểu rõ hơn về những giai đoạn phát triển rực rỡ của đất nước trong lịch sử dân tộc.

                                                                                                                                   TTXTDLHY

 

 






TIN BÀI LIÊN QUAN