Các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch

(TITC) - Sáng ngày 28/12, tại Ninh Bình, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị “Liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Ninh Bình với các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng và một số tỉnh, thành phố” với chủ đề “Hợp tác - Phát huy thế mạnh - Cùng phát triển”. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu dự hội nghị.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu và Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình dự hội nghị

Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả hợp tác phát triển du lịch các địa phương trong vùng Đồng bằng Sông Hồng; đồng thời là dịp để tỉnh Ninh Bình và các tỉnh, thành phố trong vùng giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc hấp dẫn, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch, văn hóa lịch sử của các địa phương, các điểm đến.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng cho biết, nằm trong vùng Đồng bằng sông Hồng, địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, Ninh Bình có 1.821 di tích lịch sử, văn hoá, mà tiêu biểu là vườn quốc gia Cúc Phương, khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính, di tích quốc gia đặc biệt cố đô Hoa Lư, khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước Vân Long, nhà thờ đá Phát Diệm… và đặc biệt quần thể danh thắng Tràng An là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Lĩnh vực du lịch của tỉnh đang đứng trước giai đoạn phát triển mạnh với nhiều cơ chế, chính sách đầu tư lớn. Đặc biệt, ngành Du lịch Ninh Bình đã có bước chuyển mình mạnh mẽ từ khi quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đã tạo ra bước đột phá, mở ra cơ hội lớn, đưa du lịch Ninh Bình phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân của tỉnh giai đoạn 2010-2019 đạt 12%/năm; doanh thu tăng bình quân 23,6%/năm. Giai đoạn 2020-2021 do bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên với những biện pháp đầu tư, xúc tiến, quảng bá, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân làm du lịch, hoạt động du lịch của tỉnh năm 2022 có những bước phát triển trở lại. Cụ thể, tỉnh ước đón gần 4 triệu lượt khách du lịch; trong đó, có gần 60.000 khách du lịch quốc tế, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực khác.

Toàn cảnh hội nghị

Du lịch tỉnh Ninh Bình đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Hình ảnh, thương hiệu du lịch Ninh Bình từng bước được khẳng định khá đậm nét trên bản đồ du lịch Việt Nam và trên thế giới; 3 năm liền (2018 - 2020) được các tạp chí, chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn trong nhóm điểm đến hấp dẫn hàng đầu của Việt Nam và khu vực. Đặc biệt năm 2022, Tạp chí Du lịch hàng đầu thế giới Time Out (Anh) bình chọn Ninh Bình là danh thắng hoang sơ như đá quý ở Đông Nam Á vẫn chưa được nhiều du khách nước ngoài biết tới.

Dù có nhiều thế mạnh, tuy nhiên theo các đại biểu, liên kết phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc vẫn chưa thể đem lại kết quả bứt phá, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mình.

Trong đó, có một số hạn chế như: các sản phẩm du lịch có sự trùng lặp, thiếu sản phẩm du lịch đặc thù; Hệ thống sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng chưa cao; các sản phẩm vui chơi giải trí nghèo nàn. Các khu, điểm du lịch còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách; thiếu nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Do đó khách chủ yếu đi tham quan trong ngày, chưa lưu đêm nhiều, dù giá khách sạn, dịch vụ ăn uống rẻ và chi tiêu ngoài tour của khách cũng không cao…

Tại hội nghị, các đại biểu, khách mời cùng nhau trao đổi làm rõ những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động liên kết, hợp tác phát triển vùng, đồng thời đưa ra các ý kiến tâm huyết, thiết thực để đưa du lịch Ninh Bình nói riêng và du lịch vùng đồng bằng sông Hồng nói chung phát triển mạnh mẽ hơn, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có. 

Nhiều giải pháp quan trọng được đưa ra như quy hoạch, phát triển thương hiệu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng các sản phẩm du lịch mới mang hàm lượng văn hóa độc đáo riêng có của vùng; tăng cường kết nối các sản phẩm du lịch như du lịch khoa học, du lịch tâm linh…

Hội nghị thu hút đông đảo các đại biểu tham dự

Cũng trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ ký biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, các Hiệp hội du lịch và một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch.

Theo:Trung tâm Thông tin du lịch - Tổng cục Du lịch Việt Nam

 






TIN BÀI LIÊN QUAN