ASEAN hợp tác thúc đẩy du lịch lễ hội vì sự phát triển bền vững và phục hồi du lịch nhanh chóng sau đại dịch

Ngày đăng: 27/12/2023
(TITC) - Ngày 26/12/2023, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức Hội thảo về Du lịch Lễ hội ASEAN nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các nước thành viên ASEAN, các chuyên gia quốc tế và trong nước về giải pháp phát triển và kết nối điểm đến du lịch lễ hội ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, góp phần đa dạng hoá sản phẩm và phục hồi du lịch khu vực. Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu chủ trì hội thảo.

 

Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: TITC

Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu đến từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; Cơ quan Du lịch Quốc gia ASEAN; Cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam; Lãnh đạo Sở quản lý du lịch một số địa phương; Hiệp hội Du lịch Việt Nam; các chuyên gia du lịch; các tập đoàn, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn; cơ quan thông tấn báo chí...

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết: Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch quốc tế đang trên đà phục hồi và sẽ đạt được khoảng 90% so với mức trước đại dịch vào cuối năm nay, với nhiều điểm đến đã khôi phục hoặc thậm chí vượt qua số lượng khách đến và doanh thu như trước đại dịch. Theo dự báo của nhiều chuyên gia du lịch, ngành du lịch thế giới có khả năng phục hồi hoàn toàn từ năm 2024 trở đi.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TITC

Tuy nhiên, khu vực Đông Á đang có sự phục hồi chậm hơn so với đà phục hồi chung của thế giới, cụ thể trong 9 tháng đầu năm nay, khu vực này mới chỉ phục hồi được khoảng 60% so mức trước đại dịch do ảnh hưởng của của các thị trường nguồn và việc mở cửa trở lại du lịch quốc tế chậm hơn. Theo thống kê năm 2022, các nước thành viên ASEAN đã đón 43 triệu lượt khách du lịch quốc tế, chỉ phục hồi 30% so với mức năm 2019. Năm 2023, Việt Nam đã ước đón được 12,5 triệu lượt khách quốc tế, phục hồi khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2019.

Trước bối cảnh đó, hai năm qua du lịch ASEAN đã đẩy mạnh hợp tác nhằm phát triển bền vững và phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Nhiều dự án, hoạt động hợp tác chung đã được triển khai như Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN giai đoạn 2021- 2025, Kế hoạch Phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19, Khung phát triển du lịch bền vững giai đoạn sau COVID-19… Vấn đề xây dựng sản phẩm du lịch để nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến ASEAN là một trong những nội dung quan trọng của các chính sách trọng tâm này, trong đó “Phát triển du lịch lễ hội ASEAN” là một trong các dự án được quan tâm và kỳ vọng sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đẩy mạnh kết nối điểm đến nội khối và nâng cao sức cạnh tranh cho khu vực.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: TITC

Việt Nam đã tham gia đóng góp tích cực cho các hoạt động hợp tác du lịch trong khuôn khổ ASEAN. Hiện nay, Việt Nam đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Uỷ ban Nguồn lực, Giám sát và Đánh giá Du lịch ASEAN và điều phối chính dự án “Xây dựng sản phẩm du lịch lễ hội ASEAN”.

Phó Cục trưởng cho biết thêm, Việt Nam đã xác định du lịch văn hóa là một trong những dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng như Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Du lịch văn hóa đồng thời cũng là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa được xác định trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, lễ hội là một trong những sản phẩm bổ trợ nổi bật và hấp dẫn, nâng cao trải nghiệm cho du khách đến Việt Nam.

Đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam báo cáo tổng quan về du lịch lễ hội ASEAN. Ảnh: TITC

Vì vậy, thông qua hội thảo này, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam mong muốn lắng nghe ý kiến, quan điểm các nước thành viên ASEAN, các chuyên gia quốc tế và trong nước về giải pháp phát triển và kết nối điểm đến du lịch lễ hội ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, góp phần đa dạng hoá sản phẩm và phục hồi du lịch khu vực. Đồng thời, thảo luận các khuyến nghị để quản lý và khai thác lễ hội cho mục đích du lịch hiệu quả, đảm bảo phát triển du lịch song hành với bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá - di sản theo hướng bền vững.

Theo báo cáo đề dẫn của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết: ASEAN là một trong những khu vực phát triển du lịch năng động nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hầu hết các nước thành viên ASEAN đều chú trọng phát triển du lịch, coi du lịch là ngành quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, do đó du lịch được quan tâm đầu tư và đa dạng hóa sản phẩm. Các nước ASEAN được coi là đất nước của các lễ hội. Nơi đây các lễ hội diễn ra quanh năm và ở khắp nơi với nhiều sắc thái khác nhau.

Tiến sĩ Lê Tuấn Anh, Trưởng khoa Quản trị Du lịch và ngôn ngữ quốc tế, Đại học Văn hóa Hà Nội trình bày tham luận “Giải pháp hợp tác giữa các nước ASEAN thu hút khách du lịch Lễ hội”. Ảnh: TITC

Du lịch lễ hội đã góp phần vào sự tăng trưởng chung của khách du lịch đến các nước ASEAN. Theo Ban Thư ký ASEAN, năm 2019, khu vực ASEAN đã thu hút khoảng 143,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế (chiếm 9,6% tổng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới) với tốc độ tăng trưởng đạt 6,1%, cao hơn mức tăng trưởng chung của thế giới (4%). Thị trường nguồn du lịch khu vực ASEAN chủ yếu là khách du lịch nội khối và Đông Bắc Á.

Nhìn chung sự phát triển của du lịch gắn với lễ hội đã giúp cho lễ hội được quan tâm đầu tư nhiều hơn, lễ hội dân gian được phục dựng. Các hoạt động thực hành trong lễ hội đa dạng hóa tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế trình bày tham luận “Phát triển du lịch lễ hội - kinh nghiệm của Thừa Thiên Huế”. Ảnh: TITC

Để nâng cao hiệu quả trong hoạt động du lịch lễ hội, phát triển du lịch bền vững và phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề xuất khu vực Đông Nam Á cần thực hiện một số giải pháp phát triển du lịch lễ hội như: Thứ nhất, tiếp tục ban hành chính sách tạo thuận lợi hơn nữa về visa, cải cách thủ tục hải quan… nhằm thu hút khách quốc tế đến khu vực. Thứ hai, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý về vai trò của du lịch lễ hội trong phát triển du lịch. Bồi dưỡng, đào tạo hỗ trợ cộng đồng dân cư phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch lễ hội. Chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước ASEAN trong việc tổ chức lễ hội gắn với du lịch một cách hiệu quả. Thứ ba, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm du lịch lễ hội thông qua công nghệ số, triển khai chiến dịch marketing số để quảng bá du lịch ASEAN, đầu tư xây dựng các nội dung quảng bá du lịch lễ hội lên website du lịch ASEAN. Thứ tư, tăng cường hợp tác giữa các nước trong khu vực để tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa du lịch mang tầm quốc tế để thu hút khách du lịch. Liên kết tổ chức khảo sát tuyến điểm du lịch xây dựng sản phẩm du lịch lễ hội cho cả khu vực.

Bà Huỳnh Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch, Sở Du lịch TP. Đà Nẵng phát biểu tham luận “Xây dựng điểm đến lễ hội và sự kiện - kinh nghiệm của Đà Nẵng”. Ảnh: TITC

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế trình bày tham luận “Phát triển du lịch lễ hội - kinh nghiệm của Thừa Thiên Huế”; Tiến sĩ Lê Tuấn Anh, Trưởng khoa Quản trị Du lịch và ngôn ngữ quốc tế, Đại học Văn hóa Hà Nội trình bày tham luận “Giải pháp hợp tác giữa các nước ASEAN thu hút khách du lịch Lễ hội”; Bà Huỳnh Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch, Sở Du lịch TP. Đà Nẵng phát biểu tham luận “Xây dựng điểm đến lễ hội và sự kiện - kinh nghiệm của Đà Nẵng”.

Tại phiên thảo luận về xu hướng, những vấn đề đặt ra, giải pháp và vai trò các bên trong phát triển du lịch lễ hội khu vực ASEAN, các chuyên gia trong nước và quốc tế đến từ Cơ quan Du lịch Quốc gia các nước thành viên ASEAN, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các cơ quan nghiên cứu đã tập trung thảo luận về kinh nghiệm quốc tế, những xu hướng mới dành cho du lịch lễ hội, đồng thời kiến nghị giải pháp và định hướng vai trò của các bên liên quan để quản lý và khai thác du lịch lễ hội hiệu quả, đảm bảo phát triển du lịch song hành với bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá - di sản theo hướng bền vững.

Phiên thảo luận về xu hướng, những vấn đề đặt ra, giải pháp và vai trò các bên trong phát triển du lịch lễ hội khu vực ASEAN. Ảnh: TITC

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: TITC

Phát biểu tổng kết hội thảo, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu đánh giá cao những ý kiến đóng góp, thảo luận tại hội nghị, đồng thời cho rằng: ASEAN có rất nhiều lễ hội nhưng chưa có các lễ hội mang tầm cỡ quốc tế, do đó chúng ta cần xây dựng lễ hội chung cho khu vực ASEAN. Chúng tôi sẽ báo cáo kết quả hội thảo này tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN sắp tới và đề xuất các thành viên ASEAN cùng hưởng ứng. Nếu được sự ủng hộ của các nước, Việt Nam đề xuất làm quốc gia dẫn dắt cho sự kiện này, sau đó chúng ta có thể luân phiên tổ chức hàng năm để thu hút khách du lịch quốc tế đến với khu vực.

Theo: Trung tâm Thông tin du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam






TIN BÀI LIÊN QUAN