Bộ VHTTDL ban hành Chương trình đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch thông minh trong lĩnh vực du lịch

Ngày đăng: 18/07/2025
TITC) - Ngày 14/7/2025, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong đã ký Quyết định số 2450/QĐ-BVHTTDL về ban hành Chương trình đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch thông minh trong lĩnh vực du lịch.

Chương trình được xây dựng nhằm thực thi hiệu quả các chủ trương, định hướng tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW (tại Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ ngày 01/04/2025) trong lĩnh vực du lịch.

Chuyển đổi số và phát triển du lịch thông minh không chỉ là xu hướng tất yếu trên thế giới mà còn là nhiệm vụ chiến lược, giải pháp đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững của du lịch Việt Nam.

Chương trình hướng tới ứng dụng các thành tựu của khoa học, công nghệ để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, chuyển đổi số ngành du lịch tại Việt Nam; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước; thúc đẩy doanh nghiệp du lịch đổi mới mô hình kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; tạo điều kiện thuận lợi và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch. Từ đó góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; đóng góp vào quá trình phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. 

Mục tiêu đến hết năm 2025, phát triển và nhanh chóng hoàn thiện các nền tảng số hỗ trợ công tác quản lý nhà nước; nền tảng số phục vụ khách du lịch (đa ngôn ngữ, đa tiện ích) dễ dàng tiếp cận qua website, ứng dụng di động; Phát triển hệ thống dữ liệu số, cơ sở dữ liệu ngành du lịch làm nền tảng cho xây dựng mô hình du lịch thông minh, đảm bảo kết nối với các tiện ích của Đề án 06, đẩy mạnh khai thác giá trị gia tăng từ dữ liệu. Chú trọng cải cách hành chính, tăng cường giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch qua cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ.

100% hồ sơ công việc cấp Bộ liên quan đến lĩnh vực du lịch được xử lý trên môi trường số (trừ hồ sơ thuộc phạm vi bí mật nhà nước); thực hiện chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về du lịch phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên môi trường số. 

Thúc đẩy hoàn thành nền tảng số quốc gia quản trị và kinh doanh du lịch tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng các mô hình kinh doanh du lịch trực tuyến; Xây dựng Bộ tiêu chí để xác định và đo lường chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, đồng thời tổ chức triển khai việc đánh giá định kỳ trên phạm vi toàn quốc; Xây dựng trung tâm điều hành của Bộ, trong đó tích hợp thành phần về du lịch. 

Mục tiêu đến năm 2030, tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, chuyển đổi số; đảm bảo khả năng tiếp cận, ứng dụng và làm chủ những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực du lịch, từ đó nâng cao năng lực quản lý, năng lực phát triển, tạo ra những trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. 

100% thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 100% cán bộ, công chức, viên chức trong ngành du lịch thường xuyên sử dụng trợ lý ảo hoặc công cụ số thông minh trong công việc để nâng cao hiệu suất làm việc. Tỷ lệ cơ sở du lịch sử dụng nền tảng số phục vụ quản trị, kinh doanh du lịch đạt tối thiểu 70%.

Mở rộng triển khai các mô hình du lịch thông minh tại các địa bàn du lịch trọng điểm, các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch trên cả nước, liên kết, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đồng đều, bền vững giữa các vùng miền. 

Phấn đấu đưa ngành du lịch Việt Nam khai thác một cách hiệu quả, tối đa các giá trị kinh tế phát sinh từ việc ứng dụng và phát triển du lịch thông minh, đóng góp ngày càng lớn hơn trong kinh tế số; góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Chương trình sẽ tập trung vào 3 nhóm nội dung chủ yếu gồm có: (1) Đẩy mạnh phát triển nền tảng số, các ứng dụng trong du lịch, trong đó tập trung phát triển, nâng cấp các nền tảng số dùng chung, cốt lõi của ngành du lịch như: Cổng thông tin du lịch đa ngôn ngữ, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch, hệ thống báo cáo thống kê từ Trung ương đến địa phương, ứng dụng du lịch “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”. Phát triển các ứng dụng đa ngôn ngữ, đa tiện ích cho khách du lịch (tìm kiếm và chia sẻ thông tin, đặt phòng, đặt vé, hướng dẫn ảo, bản đồ số…), và các ứng dụng quản lý hiệu quả cho doanh nghiệp (quản lý khách sạn, tour, phân tích dữ liệu khách du lịch). Thúc đẩy hoàn thành nền tảng số quốc gia Quản trị và kinh doanh du lịch, công bố và đẩy mạnh ứng dụng trong thực tế. Các ứng dụng hỗ trợ các khu du lịch, điểm du lịch: Hệ thống vé điện tử “Trực tuyến - liên thông - đa phương thức”, hệ thống thuyết minh đa phương tiện (Multi-media Guide), thẻ du lịch thông minh…

Chú trọng hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp để cung cấp các giải pháp du lịch thông minh sáng tạo, có sự tham gia, liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong và ngoài ngành du lịch để tạo ra chuỗi giá trị liền mạch, đột phá.

Nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch, các tính năng du lịch mới mang tính đột phá, sáng tạo, có sự ứng dụng sâu rộng các công nghệ cốt lõi của công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), thực tại ảo (VR), thực tại tăng cường (AR)… nhằm cá nhân hóa trải nghiệm của khách du lịch, đáp ứng các nhu cầu và hành vi tiêu dùng hiện đại; tạo trải nghiệm du lịch hấp dẫn, sống động.

(2) Đẩy mạnh phát triển hệ thống dữ liệu số ngành du lịch: Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh cập nhật thông tin, dữ liệu trong hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch (hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành; thúc đẩy phát triển cơ sở dữ liệu về cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh các dịch vụ du lịch khác, khu, điểm du lịch, thống kê du lịch) trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch, góp phần quảng bá xúc tiến du lịch. Triển khai kết nối dữ liệu ngành du lịch với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên cơ sở ứng dụng các tiện ích của Đề án 06 nhằm phát triển mô hình du lịch thông minh, phục vụ công tác quản lý nhà nước. Nghiên cứu, xây dựng hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) cho ngành du lịch thông qua việc thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn, áp dụng các tiến bộ công nghệ để lưu trữ, xử lý và khai thác hiệu quả nhằm tối ưu hóa quy trình tổng hợp thông tin.

(3) Phát triển hạ tầng số: Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp viễn thông trong việc triển khai các giải pháp nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng hạ tầng mạng viễn thông (internet băng thông rộng, wifi…) tại các khu du lịch, điểm du lịch trọng điểm, ưu tiên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có tiềm năng du lịch.

Tăng cường công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và ứng dụng du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý; phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ tấn công mạng, xâm nhập hệ thống; nâng cao toàn diện hiệu quả công tác bảo mật, an toàn thông tin cho các ứng dụng du lịch thông minh và cơ sở dữ liệu du lịch. Phát triển trung tâm điều hành dữ liệu đảm bảo các tiêu chuẩn, vận hành ổn định.

Chương trình cũng đặt ra các giải pháp về hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực và tuyên truyền, nâng cao nhận thức về du lịch thông minh, chuyển đổi số. Trong đó sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, các văn bản pháp luật, quy định, hướng dẫn thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy chuyển đổi số. Quảng bá các sản phẩm, ứng dụng của du lịch thông minh; truyền tải thông tin về vai trò, chức năng và giá trị cốt lõi của từng sản phẩm số trong hệ sinh thái du lịch, giúp các chủ thể liên quan hiểu rõ lợi ích. Xây dựng chiến lược truyền thông đa kênh, phát triển nội dung hấp dẫn, hình thành cộng đồng du lịch số nhằm tăng cường mức độ tương tác với người dùng...

Bộ VHTTDL giao Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam là cơ quan đầu mối, theo dõi triển khai thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động trong Chương trình trên phạm vi cả nước; phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thực hiện các nhiệm vụ cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.

Xem chi tiết Chương trình tại đây

Theo: Trung tâm Thông tin du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam 






TIN BÀI LIÊN QUAN